Trong 2 tuần đầu của nhiệm kỳ tổng thống lần thứ 2 của mình, Tổng thống Trump cho thế giới thấy một phiên bản nhiều biến động khôn lường. Hôm nay là thế này, ngày mai là thế khác. Quyết định ảnh hưởng hàng ngàn tỉ đô la và tới hàng triệu người có thể thay đổi trong một cái chớp mắt. Thị trường phản ứng lên xuống theo phong cách nóng lạnh trong việc ra quyết định của nhân vật quyền lực này. Các công ty cũng tìm cách xoay sở vừa để có thể giảm thiểu rủi ro và vừa tìm cơ hội. Các bài phân tích càng làm cho thị trường nhiều tiếng ồn và nhiễu.
Nhưng …
Càng trong sự hỗn độn thì sự tĩnh lặng lại càng quan trọng.
Càng khi mọi thứ xáo trộn nhanh chóng thì lại càng phải nhìn vừa xa và tìm vừa sâu để tìm thấy thứ không thay đổi trong dài hạn.
Sáng nay thức dậy mình đọc một bài về chủ đề đầu tư với tầm nhìn trăm năm với câu hỏi chủ đạo là làm sao tìm được một “exceptional company” để đầu tư cho thế kỷ tiếp theo. Đây là một câu hỏi thú vị - việc sống tới hàng trăm năm đơn giản chỉ là cách nói khác của “sự trường tồn” - một câu hỏi đáng giá ngàn vàng tự cổ chí kim cho cả con người, công ty, và đế chế.
Giống như con người, các công ty và các đế chế cũng có vòng đời - từ lúc thai nghén, được sinh ra, được nuôi dưỡng, lớn lên, già đi và biến mất. Vòng đời đó dài hay ngắn, có ảnh hưởng hay không, đều phụ thuộc vào từng trường hợp. Nhưng một số nghiên cứu về tuổi thọ của các công ty với khoảng thời gian nghiên cứu đủ dài (tính bằng hàng thập kỷ tới hơn nửa thế kỷ) cho thấy rằng tuổi thọ của công ty ngày càng ngắn và các công ty càng to thì việc giảm tuổi thọ lại càng diễn ra nhanh chóng. Vào khoảng cuối những năm 70s, trung bình các công ty trong danh sách S&P500 nằm trong danh sách này trong khoảng 30-35 năm. Tới thập kỷ này (thập kỷ bắt đầu năm 2021), trung bình các công ty S&P500 chỉ còn có khả năng nằm trong danh sách này từ 15-20 năm.
Creative destruction has nearly halved the average time spent in the S&P 500 index over the past 60 years, according to strategy and innovation consultancy Innosight.
- Financial Times, Why the mysteries of corporate longevity matter to investors
Ai thay thế các công ty S&P500 bị loại khỏi danh sách đó?
Là các công ty liên quan tới công nghệ. Vào những năm 70s, các công ty công nghiệp chiếm hơn 30% tổng số các công ty trong S&P500. Chỉ hơn nửa thế kỷ sau thì chỉ còn 68 công ty trong danh sách này là các công ty công nghiệp còn các công ty công nghệ tăng từ 16 lên 68 công ty. Top10 của S&P500 thể hiện rất rõ ràng sự thay đổi này trong chỉ hơn 3 thập kỷ:
Nhưng nếu lịch sử là một bài học cho tương lai thì điều không đổi ở đây là sự thay đổi. Những cái tên trong Top10 hôm nay có thể không còn tồn tại trong vòng 1 thập kỷ tới.
Vậy thì, với các công ty, làm sao để có thể tồn tại ngay cả khi mọi thứ chắc chắn sẽ thay đổi - đặc biệt là khi sự thay đổi đó không diễn ra từ từ mà sẽ thay đổi khôn lường, sẽ bị đảo lộn, sẽ có rất nhiều đau thương và tổn thất?
Với các nhà đầu tư, làm sao để có thể tìm được những công ty có thể tồn tại và thịnh vượng bất chấp những thay đổi khó lường của môi trường xung quanh? Với mảng đầu tư của mình là mảng đầu tư rất dài hạn vào loại tài sản highly illiquid thì cần làm gì?
Ngồi nghiền ngẫm về những câu hỏi này thực sự là một trải nghiệm làm bất kỳ nhà sáng lập hay nhà đầu tư nào khiêm tốn hơn. Nhìn từ một góc nào đó, những công ty có thể tồn tại và thịnh vượng hàng thế kỷ mới thực sự là những con kỳ lân - vì nó mới thực cực kỳ hiếm có khó tìm. Những cái tên như vậy mới thực sự là di sản cho những người sáng lập và những nhà đầu tư có cơ hội đồng hành.