Một người bạn gửi tin nhắn trong nhóm WhatsApp: “Có quan tâm đầu tư EV không? Có cơ hội này thú vị lắm!”. Lúc đó, mình đang lang thang giữa một rừng người và máy ở Canton Fair, lại đúng trong khu triển lãm về EV và khi mình đang đứng trước một cái xe tải chạy hoàn toàn bằng điện, bên cạnh một dòng xe điện cho gia đình mới nhất mà độ ấn tượng còn hơn những cái xe mình đã nhìn thấy ở GITEX Dubai tháng 10 năm ngoái. Mình nhắn lại: “Em đang ở Canton Fair. Với những gì em đang thấy trước mắt, em không rõ em có đủ dũng cảm đầu tư vào EV không.” Một người khác nhắn lại: “Gửi ảnh nhé! Tớ muốn nhìn thấy tương lai!”
3 tin nhắn trong 1 phút tóm tắt lại những gì mà mình thấy và mình nghĩ rằng, bất kỳ ai quan tâm tới công nghệ và đầu tư công nghệ cũng nên nhìn thấy.
Bài viết cuối cùng của mình là từ gần 1 tháng trước. Mỗi tuần, mặc dù mình biết là để giữ nhịp thói quen viết, mình cần viết lại một cái gì đó. Nhưng tháng 4 là một tháng kỳ lạ. Sau ngày 1/4 là một chuỗi các sự kiện cả cá nhân, trong nước và quốc tế xảy ra - việc chọn ra một chủ đề cho mỗi tuần để viết không phải là đơn giản. Mình bị chậm 3 bài viết - dù không ai nhắc nhưng cũng phải tự nhắc mình. Giờ đây khi có thời gian ngồi lại sau một tháng chạy ngược chạy xuôi, mình nghĩ là mình có nhiều thứ hơn để chia sẻ. Câu chuyện trên là một trong những chủ đề lớn mà có lẽ bài viết này mới chỉ là bài viết đầu.
Nước Mỹ có phải đã ngủ quên?
Trong hơn 1 thập kỷ qua, mình đã sống, làm việc và đi lại với thị trường Mỹ rất nhiều - gặp gỡ từ các trường đại học, các viện nghiên cứu, các quỹ đầu tư, các startups, các nhân tố phát triển cộng đồng, v.v. Có thể mình chưa biết tường tận về Mỹ bằng những người đang ở Mỹ hàng ngày, nhưng mình nghĩ trong lĩnh vực của mình, hiểu biết về Mỹ của mình cũng kha khá, đủ để hiểu hiện tại Mỹ đang ở đâu và suy nghĩ của họ thế nào. Trước kỳ bầu cử tổng thống năm ngoái, khi mình hỏi người Mỹ họ nghĩ ai sẽ lên làm tổng thống - kha khá người nói với mình rằng tổng thống Trump sẽ quay trở lại và ngay cả khi họ là người ủng hộ đảng Dân Chủ từ rất lâu, lần này họ sẽ không bầu cho ứng viên đảng Dân Chủ nữa. Những người này là những người trong giới công nghệ. Lý do của họ? Từ những gì họ nói, thì lãnh đạo đảng Dân Chủ Mỹ bị rời quá xa thực tế và không hiểu Mỹ đang đứng ở đâu trên thế giới, đánh giá thấp trình độ phát triển công nghệ của những quốc gia như Trung Quốc - và vì thế đặt nước Mỹ vào rủi ro rất lớn bị tụt hậu trong tương lai.
Những người từ châu Âu mình hỏi cũng có cùng quan sát, rằng châu Á đang tiến rất nhanh trong các tiến bộ khoa học công nghệ. Mỹ và châu Âu đang gặp rủi ro tụt hậu lớn. Và điều này không chỉ xảy ra ở Trung Quốc mà những nơi khác như Singapore và Hàn Quốc đang ngày càng có nhiều “thị phần” trong giới công nghệ cao từ góc độ sở hữu trí tuệ. Trong mảng bán dẫn, IMEC của Bỉ là một tượng đài nhưng nếu nhìn số liệu về số lượng bằng sáng chế trong thời gian qua thì KAIST Hàn Quốc đang bứt phá nhanh chóng. Đó là chưa kể các trường đại học Trung Đông nhiều tiền, vừa đầu tư lớn vào lab, vừa dùng tiền mang nhân tài về cùng với chất xám và bằng sáng chế của họ.
Những người làm công nghệ và đi đủ nhiều đều nói về công nghệ Trung Quốc đuổi kịp hoặc đi trước Mỹ vài lần đặc biệt là ở mảng AI & Robotics. Khi ở Mỹ đang coi robot đi giao hàng ngoài đường là một đột phá tương lai thì ở 1 tỉnh lẻ Trung Quốc, con robot đó không chỉ đã đi giao hàng trên mặt phẳng mà nó còn biết đi lên đúng tầng và đến đúng phòng. Diễn ngôn đơn giản cho người ngoài ngành: đi trên mặt phẳng thì chỉ cần biết tọa độ x-y; còn muốn lên tầng đúng thì còn phải biết cả z. Một bên là 2 chiều, một bên là 3 chiều. Nghe thì đơn giản nhưng độ phức tạp tăng lên mấy lần. Đó là chưa kể, nhiều prototype hardware cũng phải nhập linh kiện từ Trung Quốc mới làm được. Năm ngoái đi Mỹ, mình gặp vài x-Google founders làm hardware ở Silicon Valley và họ nói, sở dĩ họ có thể sản xuất hardware với mức giá đó (rẻ so với Mỹ mà quá mắc so với châu Á) là vì họ nhập linh kiện từ Trung Quốc. Ở MIT, 1 startup mảng năng lượng chia sẻ rằng họ có đủ công cụ làm prototype ở Mỹ trong khu vực Boston nhưng để bắt đầu sản xuất được theo đơn hàng dù nhỏ thì chi phí không thể chịu nổi dù vẫn có các hợp phần, linh kiện nhập từ “nước ngoài”. Năm nay, không biết mấy công ty đó còn tồn tại không sau biến cố tháng 4 này?
Tuần trước, mình đi dự 1 hội nghị đầu tư ngoài Hà Nội trong đó có 1 slide từ đại diện NVIDIA nói rằng tỷ lệ số hóa ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc, mình nhắn tin cho bạn mình hỏi đại ý: có thật thế không? Theo Google thì có thể là thật nhưng mình lại mơ hồ nghĩ rằng, có lẽ có rất nhiều thứ mà Google không biết - nó chỉ biết những gì người ta cho nó biết và từ chuyến đi vừa rồi, mình cho rằng, Trung Quốc biết rất nhiều về thế giới - đặc biệt là Mỹ, nhưng chiều ngược lại thì chưa chắc lắm.
Trong cả một thập kỷ người ta chỉ nghe tới công nghệ Mỹ và các công ty kỳ lân từ Mỹ, đột nhiên thực tế đang cho họ ngày càng nhiều bằng chứng rằng họ không nên chỉ nhìn vào Mỹ nữa. Tất nhiên, thông tin không thuận tai thì khó nghe và sẽ có nhiều người từ chối nhìn vào các thông tin đó - chưa nói tới đủ sự tò mò để đi kiểm chứng thông tin xem có đúng hay không.
Rồi DeepSeek tới!
Và có lẽ không cần nói thêm nhiều để thuyết phục người ta cần nhìn kỹ hơn Trung Quốc có gì? Họ có thực sự đủ lớn để trở nên đối trọng với Mỹ hay chỉ là một trường hợp nhất thời không đáng quá lo?
Vậy thì Trung Quốc có gì?
Có một sự nhạy cảm không hề nhẹ là khi viết những gì hơi có xu hướng tốt hơn cho Trung Quốc - dù là quan sát và ghi chép từ thực tế hoặc có số liệu đàng hoàng - thì khả năng người viết sẽ bị tấn công cá nhân và chụp mũ từ những người có quan điểm khác hẳn. Nhưng từ góc độ một người nhiều năm làm chiến lược cho các tổ chức và tập đoàn lớn, mình cho rằng, “Biết người biết ta” thì mới có một chút may mắn tồn tại và có thể chút xíu may mắn hơn để thành công.
Với một thị trường như Trung Quốc - dù quan điểm là gì thì có một vài sự thật khó chối từ: (1) họ rất lớn; (2) họ có 1 thời gian dài phát triển tốc độ cao và (3) họ có lịch sử thành công trong mảng công nghệ.
Từ những con kỳ lân đời đầu như Alibaba rồi tới những câu chuyện cận đại như Temu, Shein, Tiktok,… Trung Quốc có một danh sách đủ dài để chứng minh họ có thể tạo ra kỳ lân với số lượng đủ nhiều để người ta phải để ý chứ không còn là việc ăn may nữa.
Rồi càng gần đây, các công ty kỳ lân của họ không còn bị giới hạn ở các "công ty nền tảng” nữa mà đã xuất hiện những cái tên trong mảng công nghệ sâu và khoa học đời sống. Danh sách những cái tên như Horizon Robotics, 01.AI, Elpiscience, Unitree Robotics, EpimAb Biotherapeutics, GenFleet Therapeutics, Innoscience, Cambricon Technologies,… ngày càng dài ra và thách thức Mỹ trong những mảng công nghệ lõi - từ AI, Robotics, semiconductor tới dược và công nghệ sinh học.
Nếu ở Mỹ có Silicon Valley và Boston area, thì ở Trung Quốc có Zhongguancun, Suzhou, Hangzhou, Wuxi, Shanghai, Shenzhen,… Các trung tâm đổi mới sáng tạo của Trung Quốc không chỉ ngày càng nhiều về số lượng mà ngày càng tăng về chất lượng. Zhongguancun được nhiều báo cáo cho rằng là trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới - vượt mặt cả Silicon Valley lẫn Boston. Dù thứ hạng có thay đổi thế nào thì có một sự thật là, trong khu vực giữa đường vành đai 3 và 4 ở phía Tây Bắc Tử Cấm Thành Bắc Kinh này, sự kết hợp giữa các trường đại học hàng đầu như Thanh Hoa và Bắc Đại, các công ty công nghệ hàng đầu như DeepSeek hay Google, các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu như Tsinghua Capital hay HongShan (tiền thân là Sequoia Trung Quốc), đã và đang tạo ra những cái tên làm rung chuyển thế giới.
Nhưng những gì chúng ta thấy ngày hôm nay không xảy ra trong một sớm một chiều - nó là thành công trong 1 đêm được hun đúc trong vài thập kỷ - “decades-long overnight success”. Và điều đó cũng có nghĩa là cả một thời gian rất dài, nền công nghệ Trung Quốc được xây dựng một cách lặng lẽ công khai. Chỉ khác chăng là giờ người ta mới đủ tin là ở đây có gì đó đáng để quan tâm thay vì giữ vững một niềm tin rằng “Trung Quốc chỉ có thể copy người khác”.
Vài thập kỷ “ẩn mình”
Đêm cuối ở Bắc Kinh trước khi về Hà Nội tuần trước, mình có cuộc nói chuyện vài tiếng đồng hồ ở sảnh một khách sạn ở cạnh khuôn viên đại học Thanh Hoa. Xung quanh mình là nhiều gương mặt trẻ măng từ nhiều quốc gia tới. Người ngồi nói chuyện với mình là một nhân vật thú vị - học Thanh Hoa rồi qua Stanford, làm trong các phòng thí nghiệm lớn nhất của châu Âu rồi chuyển hướng qua làm bộ phận đổi mới sáng tạo của 1 tập đoàn công nghệ châu Âu đặt tại Bắc Kinh rồi giờ lãnh đạo một tổ chức của Trung Quốc có khả năng thay đổi cục diện về phát triển công nghệ lõi tại Thanh Hoa. Thỉnh thoảng trong cuộc nói chuyện rất dài này, anh chỉ sang những người ngồi gần và nói với mình: “Team này đang bàn về việc spin-off công nghệ từ Thanh Hoa” hay “Team kia đang nói về huy động vốn”, bởi các cuộc nói chuyện đó bằng tiếng Trung và mình thì không biết một chữ tiếng Trung nào…
Ngồi vài tiếng với anh là một master-class về lịch sử phát triển của Zhongguancun và tại sao Trung Quốc có thể lặng lẽ đạt tới trình độ hiện nay.
Có vài điểm đáng chú ý:
1. Hệ thống luật pháp và người làm luật
Trước khi đi, mấy bạn hay làm việc với mình còn trêu mình rằng mình đang đi tham gia trò chơi sinh tồn vì tỷ lệ người biết tiếng Anh ở Trung Quốc RẤT thấp. Sang tới Trung Quốc là tự mình phải bơi khi “nhất dương chỉ” aka. ngôn ngữ kí hiệu có lẽ là thứ ngôn ngữ hiệu quả nhất cho một người không biết tiếng Trung như mình.
Rồi mình tới Thanh Hoa và được cho biết rằng, phần lớn họ nói thành thạo và có thể giao tiếp như người nước ngoài bằng tiếng Anh. Những cựu sinh viên Thanh Hoa giờ đang làm Bí thư các tỉnh thành lớn từ Quảng Đông tới Thượng Hải hay làm Bộ trưởng các bộ quan trọng như Bộ Khoa Học Công Nghệ đều có một thời gian rất dài ở nước ngoài - và tất nhiên họ hiểu thế giới như họ hiểu chính đất nước họ.
Một nhân vật quan trọng giúp đỡ đẻ cho các công ty công nghệ cao Trung Quốc thông qua hệ thống luật pháp là một cựu sinh viên Thanh Hoa, người 20 năm trước đã ở Silicon Valley làm nhà sáng lập, đã bán được công ty rồi về làm nhà đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc trước khi vào hệ thống nhà nước để lãnh đạo bộ phận “đưa nghiên cứu ra thị trường”. Bạn mình kể, người ta chọn các “profile” như vậy vì chỉ có những người đã đi qua tất cả các giai đoạn mới hiểu cần phải làm gì để có thể tạo ra công ty công nghệ thành công. Họ hiểu rằng, bằng sáng chế chỉ có giá trị kinh tế khi nó được ra thị trường - còn lại, thì chỉ có giá trị ghi điểm trong bảng xếp hạng. Và họ cũng hiểu rằng, từ bằng sáng chế để ra được sản phẩm là một quãng đường rất dài, từ sản phẩm để ra được thị trường cũng là một quãng đường dài không kém - còn từ khi ra được thị trường cho tới khi có công ty được gọi là đủ mạnh thì còn là một chặng đường cực kì gian nan. Họ hiểu được rằng nghiên cứu phát triển chỉ là một phần khởi đầu của một nền khoa học công nghệ vững mạnh và để tạo được ảnh hưởng kinh tế từ các công ty công nghệ lớn, kĩ năng tối quan trọng lại là “company building” chứ không chỉ là nghiên cứu phát triển. Tiếc là kỹ năng “company building” này không thể chỉ được dạy qua các khóa học - chỉ có người đã đi qua mới biết cần phải làm gì. Và đối với ngành công nghệ sâu thì kỹ năng “company building” này còn phải kết hợp với kiến thức chuyên môn về khoa học kĩ thuật - làm cho số lượng người đạt đủ các tiêu chí như vậy thực sự không hề nhiều.
Nói một cách khác, Trung Quốc đã học cách xây dựng hệ thống luật pháp cho ngành công nghệ trong vòng vài thập kỷ qua và đã dành gần 20 năm để tìm được đúng người và đặt họ đúng vào vị trí để hỗ trợ cho ngành qua hệ thống luật luôn được cập nhật và ngày càng hoàn chỉnh.
Anh nói rằng, Trung Quốc 20 năm trước cũng chưa có gì và nếu Trung Quốc mất 20 năm thì Việt Nam không cần mất từng đó thời gian vì có thể tránh được những sai lầm mà Trung Quốc hay các nước đi trước đã phải trả học phí.
2. Hệ sinh thái đổi mới sáng tạo
Một founder làm hardware ở Việt Nam nhiều lần tâm sự là bạn thích Shenzhen thế nào khi chỉ trong cùng 1 tòa nhà có đầy đủ mọi thứ để làm ra được sản phẩm. Người bạn làm đầu tư mạo hiểm ở Thanh Hoa lái xe đưa mình chạy vòng vòng trong khu vực từ Thanh Hoa qua Bắc Đại. Tới 1 ngã tư, bạn chỉ vào 1 tòa nhà và bảo mình rằng, ở chỗ đó, 1 kỹ sư có đủ mọi thứ để làm ra 1 cái máy tính mới. Từ thiết kế con chip, làm cái bo mạch cho tới đội thiết kế công nghiệp rồi chạy qua xưởng sản xuất và kiểm thử. Người làm công nghệ chẳng phải chạy từ tỉnh này qua tỉnh khác, chỉ cần chạy từ tầng này lên tầng kia là xong sản phẩm. Tất cả ở cùng một chỗ nên làm cái gì cũng nhanh và vì thế trở thành một lợi thế vô cùng lớn cho việc phát triển công nghệ.
Trong một panel về đầu tư vào Việt Nam tại GITEX Singapore tuần trước, anh đồng nghiệp ở quỹ Vertex Ventures SEA & India của mình có nhắc tới 1 lý do bọn mình đầu tư vào Coolmate - đó là lợi thế về chuỗi cung ứng. Việc ở gần chuỗi cung ứng cho phép việc sáng tạo sản phẩm nhanh hơn và đưa ra thị trường nhanh hơn hẳn so với đối thủ. Với startup, tốc độ là lợi thế lớn nhất so với các công ty lớn. Và việc gần chuỗi cung ứng làm cho lợi thế này được nhân lên nhiều lần.
Soi chiếu qua hệ sinh thái Trung Quốc, các trung tâm đổi mới sáng tạo của họ là một hệ sinh thái được nén vào 1 khu vực với mật độ cao - từ chất xám, bằng sáng chế, tới prototype, sản xuất, kiểm thử…Mật độ cao gần chuỗi cung ứng làm cho lợi thế tốc độ trong mảng công nghệ sâu của Trung Quốc được nhân lên nhiều lần và là một thế lực không thể bỏ qua khi nói tới sức mạnh của công nghệ Trung Quốc.
Nếu so sánh với các trung tâm của Mỹ hoặc châu Âu, thì chuỗi cung ứng của Mỹ và Châu Âu ngắn hơn rất nhiều - họ có độ đậm về chất xám, bằng sáng chế, prototype nhưng khi tới giai đoạn sản xuất, kiểm thử,… thì chuỗi cung ứng của họ bị cắt đột ngột. Việc phải đưa sang nơi khác sản xuất, kiểm thử, đánh giá thị trường làm cho thời gian hoàn thành cả vòng đời của phát triển sản phẩm và đưa nó ra thị trường bị dài hơn tương đối và đồng nghĩa với việc họ bị bất lợi rất nhiều trong quá trình đổi mới sáng tạo. Chẳng trách nước Mỹ nhất định phải mang chuỗi cung ứng công nghệ cao về lại đất Mỹ và Andreessen Horowitz (aka. a16z) có một quỹ riêng với cái tên “American Dynamism” dành cho các ngành này.
Với hệ sinh thái như vậy, Trung Quốc không cần đi copy hay ăn cắp của ai như nhiều người lầm tưởng. Họ thực sự đi trước rất nhiều trong nhiều mảng công nghệ mà tới gần đây khi nhìn vào để hiểu Trung Quốc đã đi xa cỡ nào, người ta có thể bắt đầu hiểu được những dòng chảy của Project2025 của tổng thống Trump cũng như những động thái của ngành công nghệ cũng như địa chính trị trong thời đại chúng ta đang sống.
3. Hệ sinh thái tài chính cho đổi mới sáng tạo
Cuối cùng là “đầu tiên” - Tiền đâu?
Người ta vẫn hay nhắc tới đầu tư mạo hiểm quan trọng thế nào cho đổi mới sáng tạo. Điều này đúng - mình cũng đã từng viết về vấn đề này. Nhưng, chỉ nhìn vào đầu tư mạo hiểm thì cũng giống như thầy bói xem voi - chỉ thấy được cái tai hay cái chân của cả một con voi trong khi cả hệ sinh thái tài chính cho đổi mới sáng tạo và công nghệ cao lớn hơn rất nhiều so với chỉ có dòng vốn đầu tư mạo hiểm.
“Capital stack” là một từ cần được chú ý nhiều hơn là “venture capital”. Ở Trung Quốc, các công cụ tài chính từ grant cho tới venture capital cho tới debt financing, cho tới growth capital, corporate venture capital, … và hệ thống tài chính hỗ trợ cho thoái vốn và IPO được xây dựng và hình thành một thời gian dài từ những ngày đầu của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Hệ sinh thái tài chính đó là một con số khổng lồ có thể cạnh tranh với bất kỳ hệ sinh thái nào trên thế giới. Trong một báo cáo, chính phủ Trung Quốc đã đầu tư hơn $912 tỷ đô la trong vòng 1 thập kỷ qua thông qua các quỹ đầu tư nhiều giai đoạn (và 23% trong số đó đã đầu tư vào hơn 1,4 triệu công ty AI ở Trung Quốc - vậy nên khi DeepSeek xuất hiện, đáng lẽ chúng ta không nên ngạc nhiên). Chỉ tính thời điểm hiện tại, thì tổng số tiền có trong các quỹ đầu tư mạo hiểm liên quan tới nhà nước ở Trung Quốc cũng có hàng trăm tỉ đô đang chờ được giải ngân vào những ngành công nghệ sâu đặc biệt quan trọng từ AI, robotics, semiconductor, công nghệ vật liệu, dược và công nghệ sinh học…. Bài này là bài Trung Quốc copy lại của Mỹ - vì tới cuối cùng, đầu tư từ chính phủ là xuất phát điểm dẫn tới những cái tên như Fairchild Semiconductor, làm tiền đề cho ngành đầu tư mạo hiểm và Silicon Valley như chúng ta biết tới ngày nay.
Ngoài việc mạnh vì gạo, bạo vì tiền, Trung Quốc cũng bắt đầu hình thành “văn hóa” đầu tư cho công nghệ qua một lịch sử thành công khi xây dựng công ty và thoái vốn trong thập kỷ qua. Văn hóa đầu tư công nghệ là một đặc điểm rất “Silicon Valley” - người trước hỗ trợ người sau, đầu tư thiên thần theo đúng nghĩa thiên thần và mong muốn nâng đỡ các thế hệ nhà sáng lập tiếp nối. Khi văn hóa này chưa được tiếp thu và thực hành thì khó có thể có “Silicon Valley” ở ngoài Mỹ. Nhưng khi người ta bắt đầu có văn hóa như vậy ở Trung Quốc, không quá ngạc nhiên khi họ “nhân bản” được Silicon Valley.
Và cũng phải nói tới con người.
Các nhà đầu tư công nghệ tại Trung Quốc thực sự hiểu công nghệ - và đặc biệt là công nghệ sâu. Đây là đặc điểm quan trọng và đặc thù cho ngành công nghệ cao.
Tuần trước ở panel về đầu tư công nghệ sâu tại GITEX Singapore, một founder Việt chia sẻ khó khăn khi đi tìm các nhà đầu tư công nghệ sâu tại Đông Nam Á cho công ty robotics của bạn ấy. Mình nói rằng, sở dĩ khó như vậy vì phần lớn các nhà đầu tư mạo hiểm ở khu vực này đều xuất thân từ đầu tư tài chính, rất khó cho họ để đánh giá một thương vụ đầu tư công nghệ sâu nếu như họ không có background công nghệ và kỹ thuật. Bạn founder này đồng ý - vì thực tế, quỹ đầu tư đầu tiên bỏ tiền vào cho các bạn lại có xuất phát điểm từ đại học công nghệ Tokyo.
Điều này đúng ở nhiều nơi trên thế giới. Khi mình qua Mỹ gặp các quỹ đầu tư công nghệ sâu có tiếng thì trong đội ngũ của họ ngoài người làm tài chính còn có những người là tiến sĩ và kỹ sư. Qũy đầu tư công nghệ sâu có nhiều hoạt động hàng đầu ở Nhật Bản cũng được sáng lập bởi 1 tiến sĩ ngành công nghệ sinh học.
Còn tại Trung Quốc, trong khuôn viên Zhongguancun mình tới thăm có rất nhiều các quỹ đầu tư công nghệ cao đặt trụ sở. Lãnh đạo của họ đều từng học kỹ thuật ở Thanh Hoa hoặc có bằng cấp cao về công nghệ và kỹ thuật trước khi họ trở thành nhà đầu tư công nghệ chuyên nghiệp.
Vậy Trung Quốc có phải con hổ giấy?
Cuộc nói chuyện với nhiều người đều có một điểm chung là kinh tế khó khăn hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là nền khoa học công nghệ của họ đang đi thụt lùi hoặc sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn. Đầu tư cho khoa học công nghệ là một trong những dòng đầu tư dài hạn và phức tạp nhất - vì trong lĩnh vực đầu tư này, sự thành công phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố được vun đắp trong một thời gian cực dài và cần làm chỉn chu, tỉ mỉ.
Nhìn từ góc độ đó, có vẻ Trung Quốc đã xây được nền móng vững chắc cho công nghệ sâu - đặc biệt là lợi thế rất lớn về chuỗi cung ứng sản xuất cho công nghệ sâu mà rất khó có nơi nào khác trên thế giới có thể “copy” lại được. Lợi thế này vừa có quy mô, vừa có độ phức tạp, vừa có độ tinh, sâu mà bất kỳ nơi nào khác muốn copy lại đều phải trả những cái giá rất đắt trong một thời gian rất dài.
Mỗi người khi quan sát sẽ có một nhận định riêng về Trung Quốc và nền công nghệ Trung Quốc trong mối tương quan với thế giới và với Mỹ. Nhưng với mình, câu hỏi của một nhà đầu tư và đồng hành với các nhà sáng lập sẽ là: “Với những gì mình thấy, đâu sẽ là cơ hội cho Việt Nam? Đầu tư vào đâu để có thể tạo ra những câu chuyện thành công và văn hóa đầu tư công nghệ có thể khuyến khích tạo lập một hệ sinh thái bền vững và lành mạnh?” Và cuối cùng, mình khuyến khích các nhà sáng lập làm việc với mình đi thật nhiều - nhìn và học thật nhiều để không bị thiên kiến và không bị lỡ mất các cơ hội, phải đứng ngoài cuộc chơi chỉ vì mình thiếu sự hiểu biết về thế giới xung quanh.
Bonus ảnh thăm Tsinghua University Science Park (TUSPARK) nằm tại trung tâm Zhongguancun, nơi khai sinh ra một tỉ lệ rất cao (chắc phải tầm 70%) số lượng unicorn của Trung Quốc. Nơi đây có 1 tác phẩm điêu khắc tên là “Nuclei as Heavy as Bulls, Through Collision Generate New States of Matter.” Lời tựa của tác phẩm này như sau:
In 1986, inspired by the famous scientist Dr. Tsung-Dao Lee’s Theory of Relativistic Heavy Ion Collision, the famous Chinese painter, Professor Li Keran created an ink painting masterpiece, “Nuclei as Heavy as Bull, Through Collision Generate New States of Matter”. This leads to a beautiful story about the combination of science and art, along with great friendship between the two intellectuals.
The sculpture was created by Sculptress Zou Peizhu (Professor Li Keran’s wife), with inspiration from Professor Li’s masterpiece and support from the Academy of Arts and Design, Tsinghua University. TusPark sets up this sculpture to initiate the perception of combining the spirits of science and arts, promote innovative achievements and evoke magnificent creativity.
— April 2007 - TUSPARK
Many thank chị nhiều, rất Insightful. Nó support em hiểu rõ chiến lược phát triển mới của Trung Quốc “Hướng về bên trong - Tập trung kinh tế nội địa” (Trong bài viết của Tiến Sĩ Hồ Quốc Tuấn trong Đọc Chậm 27/4 - Chị có thể đọc thêm để hiểu về TQ đang Drive nền kinh tế như thế nào) để giảm thiểu sự ảnh hưởng của US trong Trade War tới GDP đã được chuẩn bị bởi chính sách và sự phát triển các hệ sinh thái kinh tế tư nhân - startup về công nghệ ở TQ trong hơn 20 năm qua khép kín chuỗi cung ứng như chị nói ở trên. Đây có lẽ là thời cơ chín nguồi để Trung Quốc thực hiện chuyển đổi kinh tế toàn diện “Chuyển từ xuất khẩu level 10 sang tiêu dùng level 8 theo mô hình Ấn Độ, nhưng hơn cái là dân giàu hơn và xã hội ít phân chia đẳng cấp địa vị và xung đột hơn, hạ tầng tốt hơn”.
À chị có thể accept Linkedin của em và cho em cơ hội Catchup coffee talk với chị được không ạ? https://www.linkedin.com/in/longlh/
đối với một người đã từng làm trong tổ chức nhân tố phát triển cộng đồng thì một bài wow luôn, bản thân e hiện tại ko có cơ hội được đi nhiều hay tiếp xúc về mặt chiến lược như c nhưng vẫn theo dõi tin tức thì đúng như c nói, google chỉ nói ra những thứ nó biết và e đã bỏ lỡ quá nhiều từ TQ cho tới bài viết này. Hóng những bài viết tiếp theo trong chủ đề lớn này